Trong hành trình tìm kiếm công thức để thay đổi thói quen và tư duy cũ về làm giàu, mình mong muốn xây dựng một lối sống thịnh vượng bền vững cho tương lai. Và cuốn sách “07 Chiến Lược Thịnh Vượng Và Hạnh Phúc” đã trở thành một kim chỉ nam quan trọng trên con đường đó.
Cảm nhận và ấn tượng cá nhân
Mình viết review “07 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc” sau khi đọc lại lần 2 để có thể giúp nhiều bạn trẻ có tìm ra một định hướngthông minh về tài chính – mục tiêu ở những năm U30.
Mình nhận ra từ lần đầu đọc “07 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc” (tháng 10/ 2024) cho đến hiện tại bản thân đang áp dụng một vài phương pháp có trong sách. Dù không nhớ hết 100% nội dung, mình nhận thấy cuốn sách như chiếc la bàn giúp mình bước ra khỏi vùng an toàn. Quan trọng hơn, nó giúp mình thiết lập mục tiêu mới, nuôi dưỡng niềm tin và thay đổi cách hành xử để vượt qua thử thách mới trên hành trình phát triển bản thân.
Một thói quen mà mình vẫn duy trì và đánh giá cao là viết phản tư.
Dù đôi khi làm hàng ngày, hoặc vài ngày một lần, việc này giúp mình đo lường rõ rệt sự thay đổi trong tư duy và cách nhìn nhận vấn đề. Viết phản tư không cần theo cấu trúc cứng nhắc; mình thường đơn giản ghi lại suy nghĩ, sự kiện trong ngày, đóng vai trò người quan sát không phán xét, từ đó rút ra bài học để cải thiện hiệu quả hành động trong tương lai.
Vào cuối mỗi ngày, hãy dành vài phút để ôn lại những gì đã xảy ra trong ngày – nơi bạn đã đi, những gì bạn đã làm, những điều bạn đã nói. Suy tư về những gì đã làm và những gì không làm, những gì bạn muốn lặp lại và những gì bạn muốn từ bỏ. Hãy cố nhớ các sự việc một cách sống động nhất. Một thời điểm tốt khác để phản chiếu là cuối những khoảng thời gian chính như mỗi tuần, mỗi tháng hay mỗi năm. Cuối mỗi tuần, hãy dành vài giờ. Cuối mỗi tháng, hãy dành một ngày. Và cuối mỗi năm hãy dành một tuần... để xem xét lại, suy tư và phản chiếu với từng chuyện đã xảy đến trong cuộc sống của bạn.
Việc phản tư thường xuyên giúp phát triển tư duy logic, khả năng phân tích và điều quan trọng nhất là tạo cơ hội để tự trò chuyện, tự đồng hành cùng chính mình. Sau 6 tháng kiên trì thực hiện, mình thật sự nhận thấy sự thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động – mình khuyến khích bạn hãy thử áp dụng.
Liên hệ với bản thân
Không ngẫu nhiên mà nhiều cuốn sách về tài chính luôn nhấn mạnh việc thay đổi thói quen là nền tảng để xây dựng sự thịnh vượng. Và với 07 Chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc – Jim Rohn cũng vậy, đưa là những nền tảng định nghĩa lại niềm tin cho người đọc.
Một trong những định nghĩa ấn tượng với mình là “Nửa tá sự việc nào sẽ quyết định hầu hết những khác biệt giữa các kết quả?”
Suốt nửa năm qua, khi nghiên cứu để phát triển giá trị dịch vụ và sản phẩm riêng, mình vẫn luôn tìm kiếm điểm khác biệt. Lần đọc thứ hai giúp mình hiểu rằng điểm khác biệt cần tồn tại và phải được thể hiện rõ ràng để người khác có thể cảm nhận.
Bài học về kỷ luật – nền tảng của thành công
Niềm tin giúp mình không ngừng học hỏi và phát triển chính là kỷ luật. Dù không phải điều mới mẻ, mình càng vững tin rằng kỷ luật chính là chiếc cầu nối giữa ý tưởng và kết quả.
Kỷ luật là chiếc cầu nối giữa ý tưởng và kết quả đạt được... chất keo kết dính cảm hứng và thành quả... điều kỳ diệu để biến nhu cầu tài chính thành sự sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật đầy cảm hứng. Kỷ luật là nền tảng để xây dựng nên thành công. Sự thiếu kỷ luật chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.
Thất bại hiếm khi là kết quả của một sự việc riêng rẽ. Thay vào đó, nó là hệ quả cộng dồn của một chuỗi dài các thất bại nho nhỏ xảy đến do quá thiếu tính kỷ luật.
Những câu hỏi phản tư của bản thân
- Điều gì trong sách này khiến mình muốn thay đổi?
- Mình có đang thiết lập được mục tiêu rõ ràng, cụ thể và hấp dẫn chưa?
- Điều gì thúc đẩy mình kiên trì theo đuổi mục tiêu?
Jim Rohn nhấn mạnh rằng chúng ta trưởng thành nhờ hai loại trải nghiệm: niềm vui chiến thắng và nỗi đau thất bại. Đừng chọn con đường dễ dàng, hãy đến với những thử thách đòi hỏi cao – nơi mà sức ép hoàn thành công việc thúc đẩy bạn tiến bộ.
Mình cũng tâm đắc với quy tắc: Thu nhập hiếm khi vượt ngoài sự phát triển cá nhân. Vì vậy, việc tự kiểm tra bản thân thường xuyên là điều cần thiết để không ngừng tiến lên.
Ứng dụng thực tế và kế hoạch hành động
Bạn có thể thay đổi mọi thứ trong cuộc sống bằng cách thay đổi chính mình. Bạn không là một thực thể vô tri mà là một con người đầy sáng tạo.
Mình sẽ tập trung trả lời 05 câu hỏi quan trọng:
- Tại sao mình phải cố gắng?
- Tại sao mình nên thức dậy sớm?
- Tại sao lao động vất vả?
- Tại sao phải đọc nhiều sách?
- Và đặc biệt là câu hỏi: “Tại sao không phải là mình? Tại sao không ngay bây giờ?”
Từ đó, mình sẽ lên kế hoạch chi tiết, mua sách mới, tìm phương pháp tăng năng suất, phát triển phong cách sống phóng khoáng và tràn đầy yêu thương.
Kết luận:
Ở lần đọc thứ 2 này, 07 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc của Jim Rohn tiếp tục đưa ra cho mình động lực để thúc đẩy sự phát triển tốt hơn trong tương lai.
Ở giai đoạn này mính sẽ hành động những điều sau:
- Thực hiện đặt mục tiêu dài hạn – ngắn hạn và trung hạn rõ ràng hơn.
- Dành thời gian suy nghĩ cụ thể nhất có thể và đồng thời thiết lập bằng hành động
- Đồng thời mình sẽ tổ chức thời gian hiệu quả hơn, cam kết hành động của bản thân ở một mức độ cao hơn.
Còn bạn, sau khi đọc bài review này có giúp bạn cảm thấy khao khát tìm đọc cuốn sách này để bắt đầu hành trình thay đổi bản thân không? Nếu có comment cho mình biết với nhé.
Love.