Sau nhiều năm làm việc tại Agency thực thi các chiến dịch IMC, Digital Marketing cho các thương hiệu lớn như Vinamilk, Hayat Kimya… và freelance cho các thương hiệu nhỏ khởi nghiệp, điều mình nhận thấy rõ ràng nhất chính là tầm quan trọng then chốt của lập chiến lược thương hiệu. Trong khi các nhãn hàng lớn xây dựng chiến lược bài bản và kế hoạch thực thi chi tiết, thì rất nhiều thương hiệu nhỏ lại chỉ tập trung vào việc tìm người viết nội dung theo thời điểm.
Bạn có thể đầu tư rất nhiều công sức để làm nội dung, chạy quảng cáo hay tổ chức sự kiện, nhưng nếu không có một nền tảng chiến lược vững chắc, mọi thứ sẽ rất dễ bị rối và không đi đến đâu.
Nhiều người khi nghe đến chiến lược thương hiệu thường nghĩ ngay đến các yếu tố như logo đẹp, màu sắc ấn tượng hay cách kể chuyện cuốn hút. Tất cả những điều đó thực ra là phần “trang phục” của thương hiệu, là những gì khách hàng nhìn thấy và cảm nhận. Nhưng để có được bộ trang phục chỉn chu ấy, thương hiệu phải có một “bộ khung” – chính là chiến lược rõ ràng, xác định được mình là ai, mình muốn nói gì và phục vụ ai.
Cũng giống như khi bạn lên kế hoạch đưa một sản phẩm ra thị trường, nhiều người hiểu nhầm rằng đó chỉ là các hoạt động quảng bá trên mạng xã hội, chạy quảng cáo hay tổ chức các chương trình khuyến mãi. Thực ra, đây là phần “hành động” để thể hiện chiến lược thị trường mà bạn đã vạch ra từ trước. Chiến lược chính là nền tảng để các hoạt động này phát huy hiệu quả.
Vậy chiến lược thương hiệu quan trọng như thế nào?
Đầu tiên, chiến lược giúp bạn trả lời những câu hỏi lớn như:
- Thương hiệu của bạn đại diện cho điều gì?
- Bạn muốn hướng đến đối tượng khách hàng nào?
- Bạn khác biệt ra sao so với đối thủ?
Khi có câu trả lời rõ ràng, bạn sẽ xây dựng được bản sắc thương hiệu một cách nhất quán, từ mục đích, định vị đến lời hứa với khách hàng.
Chiến lược giống như la bàn, giúp bạn luôn giữ đúng hướng trong mọi hoạt động truyền thông và kinh doanh.
Ngược lại,
Khi tập trung chạy theo các hoạt động ngắn hạn mà không có nền tảng chiến lược rõ ràng, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng “chạy theo cơm ngày ba bữa”, làm cho có rồi lại bỏ. Khi đó, hiệu quả marketing hạn chế, thương hiệu không được xây dựng bền vững và khó tạo dựng lòng tin với khách hàng.
Thực tế, mình đã làm việc với rất nhiều thương hiệu nhỏ, họ thường nghĩ rằng chỉ cần viết nội dung đều đặn và đăng bài lên mạng xã hội là đủ. Nhưng rồi sau một thời gian, họ cảm thấy mệt mỏi, không thấy kết quả, thậm chí muốn từ bỏ.
Lý do là họ chưa có một chiến lược bài bản, chưa xác định rõ mục tiêu, đối tượng khách hàng và cách truyền tải thông điệp phù hợp. Điều này khiến các hoạt động truyền thông bị rời rạc, thiếu sự đồng bộ và mất đi sức mạnh cộng hưởng.
Từ kinh nghiệm làm việc ở các agency
mình thấy những thương hiệu thành công luôn dành nhiều thời gian để xây dựng chiến lược. Họ hiểu rằng, chiến lược không phải là việc chỉ làm một lần rồi bỏ, mà là quá trình liên tục được phát triển và điều chỉnh dựa trên phản hồi thực tế của thị trường. Ngoài ra, khi đã có chiến lược thương hiệu rõ ràng, việc thực thi các hoạt động truyền thông, marketing sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Bạn sẽ biết chính xác mình nên tập trung vào đâu, làm gì và dành ngân sách ra sao để đạt được mục tiêu. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp.
Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi với việc làm marketing mà không thấy tiến triển, hoặc bạn chưa rõ nên bắt đầu từ đâu, mình khuyên bạn hãy dành thời gian xây dựng chiến lược thương hiệu thật kỹ lưỡng. Đó chính là nền tảng giúp bạn có được định hướng rõ ràng và phát triển bền vững.
Cuối cùng, mình muốn nói rằng xây dựng và phát triển thương hiệu là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và tư duy chiến lược. Mình rất vui được chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng bạn trên hành trình này. Hãy theo dõi mình để cùng học hỏi, trao đổi và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả nhất nhé!