Skip to content Skip to footer

#37 – Review Book: Nghệ thuật thiết lập truyền thông – Thích Nhất Hạnh

Cuốn sách này có điểm là 9/10 đây.

Lại có thêm một quyển sách nữa từ thầy Thích Nhất Hạnh đây, mình khá hài lòng với quyển sách mới này của thầy. Nếu bạn từng đọc sách của thầy Thích Nhất Hạnh bạn sẽ thấy nội dung của tất cả các cuốn sách của thầy đều có những sự liên kết với nhau. Có những nội dung được lặp lại, tuy nhiên ở mỗi cuốn sách sẽ có những phần đi vào chuyên sâu hơn, diễn đạt kỹ hơn. Và với hầu hết các cuốn sách của thầy có thiền có tu nhưng nó là một điều gì đó rất rất nhẹ nhàng mà ai ai cũng đều có thể làm được không nhất thiết bạn là người tụng kinh niệm phật mới có thể làm được.

Mình đã chọn cuốn sách này từ khi mới có thông tin sách xuất bản vì mình thực sự nghĩ đến vấn đề giao tiếp của bản thân và mong muốn được cải thiện nó hơn. Nghệ thuật thiết lập truyền thông nhưng nó không phải là truyền thông trong Marketing mà nó chỉ đơn giản là việc giao tiếp, lắng nghe và thấu hiểu trong các mối quan hệ hằng ngày của bạn mà thôi. Với mình đây là một cuốn sách để giúp đỡ bản thân rất nhiều, để có một trái tim rộng lớn hơn, bỏ quên đi cái tôi của bản thân mình nữa. Tuy là khó nhưng mọi người đều có thể làm được.

Ngày hôm trước mình đã từ chối một người, nhưng mình nghĩ nhờ có cuốn sách mà mình đã học được cách khiến cho cuộc trò chuyện nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bản thân mình là một người nóng vội và cực kỳ ham tranh nói. Dường như là thế, mình có đôi khi còn không thể chờ đợi lắng nghe hết câu nói của người đối diện mà đã lo nhảy vào và bộc lộ bản thân. Như vậy khá là tệ. Nhưng may mắn sao, giờ đây mình đã có thể tập luyện cho kĩ năng lắng nghe của bản thân được tốt hơn.

Mình nghĩ điểm trừ trong cuốn sách này chính là ở khâu dịch, theo như mình biết các sách của thầy Thích Nhất Hạnh đều được viết từ tiếng anh sau đó mới dịch lại bằng tiếng Việt. Chính vì vậy mà có những chỗ dịch khá cứng, làm mất đi chất nhẹ nhàng của giọng văn của thầy. Những thuật ngữ vì vậy cũng trở nên có phần kém mượt hơn. Ví dụ như chính tên sách vậy, vì đây là cuốn sách về cuộc sống, về giao tiếp nhưng tựa đề thì có phần chuyên môn hoá :)) Sẽ khiến cho nhiều bạn cảm thấy trở ngại khi thực sự muốn đọc về nó.

Một số câu nói hay trong cuốn sách:

Muốn có chánh niệm ta phải buông bỏ óc phán xét, ý thức sự có mặt của hơi thở, thân thể, hoàn toàn chú ý đến những gì trong ta và chung quanh ta.

Trí óc là dụng cụ truyền thông căn bản. Nếu trí óc ta tê liệt thì không một dụng cụ nào có thể thay thế giúp ta truyền thông với chính ta hay với người khác.

khổ đau cuả ta phản ảnh khổ đau của thế giới. Kỳ thị, bóc lột, nghèo đói, và sợ hãi gây nên khổ đau chung quanh chúng ta. Khổ đau của chúng ta cũng phản ảnh khổ đau của những người khác.

Nếu biết rõ tính chất và gốc rễ của khổ đau, con đường giải thoát khổ đau sẽ hiện ra trước mắt. Biết rằng có con đường thoát ta nhẹ nhóm và không còn sợ hãi

Sen phải cắm rễ xuống bùn mới mọc. Từ bi phát khởi từ hiểu biết khổ đau.

Lắng nghe sâu với tâm thương yêu, bạn sẽ hiểu người kia sâu sắc hơn và thương yêu sẽ được nuôi dưỡng. Nền tảng của thương yêu là hiểu biết, và hiểu biết trước hết là hiểu biết khổ đau.

Sự thật là nền tảng cho một quan hệ lâu dài. Nếu ta không xây dựng quan hệ trên sự thật thì trước sau thì quan hệ cũng tan vỡ.

Cũng như thế, người mà ta thương yêu không biết rằng ta thương yêu họ. Nhiều lúc chúng ta muốn nói cho một ai đó là chúng ta lo lắng, thương yêu họ nhưng chúng tâ không biết nói lời thế nào để cho người kia thấu tâm tình của ta.

Ta không cần một chiếc iphone để làm việc đó. Ta cần đôi mắt để nhìn người ấy với thương yêu. Ta cần đôi tai để lắng nghe với thương yêu và cái miệng để nói lời ái ngữ.

Nếu không biết lắng nghe niềm đau nỗi khổ của chính mình thì không có hy vọng gì để có thể cải thiện phẩm chất của mối liên hệ.

Một người đã chịu rất nhiều đau khổ sẽ không có khả năng tiếp nhận hiểu biết , yêu thương và giúp đỡ. Đối với những người ấy ta phải rất mực kiên nhẫn.

Còn cảm nghĩ của bạn thì sao? Hãy chia sẻ nó với mình nhé <3 Chúc mọi người có những ngày cuối năm vui vẻ!

Leave a comment

0.0/5