Skip to content Skip to footer

#63 – Review book: Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành: Bessel Van Der Kolk, M.D

“Giờ chúng ta đã biết rằng chiến tranh không phải là tai hoạ duy nhất tàn phá cuộc đời của con người mà còn có bạo lực, hiếp dâm… Đối với nhiều người, chiến tranh bắt đầu từ trong chính tổ ấm.“

Bạn có bao giờ cảm thấy tò mò vì sao ở cuộc sống ở hiện tại lại phát sinh ra rất nhiều những vấn đề từ trẻ nhỏ, cho đến người trưởng thành nhất là về stress, tâm lý và nhiều hơn thế? Với bản thân mình nếu trước đây hiểu về điều này thông qua “Luật nhân quả” thì giờ đây nhờ “Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” mình hiểu hơn về những “nỗi đau” mà con người ở hiện tại đang gặp phải, nó hiển nhiên diễn ra hằng ngày ở một nơi nào đó trên thế giới này, nó gây ra rất nhiều những tổn thương cho bao người… Để sống trọn vẹn đôi khi chính là một thử thách dành cho mỗi người, từ cha mẹ cho đến xã hội.

Dù bạn không học về tâm lý thì cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu đời, hiểu người và có đủ lòng yêu thương để cảm thấu với nỗi đau với mọi người xung quanh.

Ấn tượng về cuốn sách

Nếu bạn có lượn lờ ở các group đọc sách thì “Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” đã làm mưa làm gió ở đó trong suốt một thời gian, khiến mọi người không khỏi tò mò về nội dung của cuốn sách.

Giống như với hầu hết các đầu sách Saigonbook luôn mang đến cho người đọc một vùng trời kiến thức đặc sắc từ kinh doanh cho đến tâm lý… Và“Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” cũng vậy! Không thể từ một cái tên mà bạn có thể đánh giá được nội dung, chỉ khi đọc vào bạn sẽ từng chương cuốn hút và cảm thấy những nỗi đau tâm lý trong chính cuộc sống thường ngày!

Đôi nét về tác giả

Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk, M.D, ông là người đồng sáng lập và đồng thời là Giám đốc Trung tâm điều trị Sang chấn tại Brookline, Massachusetts. Ông  là giáo sư khoa Tâm Thần học của Trường Y Đại học Boston. Tiến sĩ Bessel Van Der Kolk đã dành trọn sự nghiệp của mình cho việc nghiên cứu Sang chấn tâm lý ở trẻ em và người lớn. Với sự nỗ lực không ngừng ông đã không để bản thân bị giới hạn theo những khuôn mẫu nhất định, luôn nghiên cứu và kết hợp nhiều phương pháp khác nhau đem đến cho bệnh nhân những phương pháp trị liệu thích hợp cũng như giúp người đọc hiểu rõ hơn về sang chấn dù không có kiến thức nền.

Nội dung cuốn sách

“Sang chấn tâm lý, hiểu để trưởng thành” không phải là một cuốn sách giáo khoa với những lý thuyết chuyên ngành khô khan. Tiến sĩ Bessel Van Der Kolk đã dẫn dắt các câu chuyện của từng bệnh nhân, kết hợp với kiến thức và phương pháp chữa trị để mang đến cho người đọc hình dung và hiểu rõ hơn về “Tâm lý”. Để rồi, khi đọc bạn sẽ mãi dõi theo để tìm hiểu rõ hơn những gì bệnh nhân bị sang trấn đã gặp phải, làm sao để họ có thể trải qua và tiếp tục với cuộc sống đối với những con người ở hiện tại.

Mở đầu cuốn sách là những câu chuyện từ những cựu chiến binh trở lại từ mặt trận Việt Nam, chỉ cần đọc những câu chuyện nhỏ đó thôi bạn cũng đã tìm được điểm kết nối vì cảm giác nó liên quan đến cuộc sống của chúng ta. Không chỉ dừng sau hậu quả từ sang chấn, Tiến sĩ Bessel Van Der Kolk còn cho chúng ta hiểu rằng sang chấn đã có từ rất lâu, từ những thể kỉ trước cho đến hiện tại, chỉ là tuỳ theo mục đích sở tại mà con người lựa chọn lấp liếm đi những hậu quả cũng như những phương pháp chữa trị. Có thể thấy nhiều hơn những khó khăn từ trong cuộc sống đến chính trị.

Ngoài những vấn đề như stress thay đổi tâm lý và thái độ của mọi người, thì“Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” giúp người đọc hiểu sâu hơn về những “vấn nạn” mà con người đang gặp phải. Một đứa trẻ bị bạo hành từ tâm lý đến ấu dâm, những vấn đề bạo lực, cô lập… những nỗi đau tưởng chừng như nhỏ ấy lại đeo đuổi nạn nhân dai dẳng và dẫn đến hiệu ứng domino, nỗi đau ấy không thể biến mất mà nó lại tiếp tục lan ra đối với những người khác, cụ thể là từ chính những người thân của nạn nhân ấy. Để rồi nỗi đau lại trồng chất lên trên nỗi đau như một vòng lẩn quẩn.

Bạn nghĩ nỗi đau nào khiến con người sống những năm tháng đau thương nhất? Mình đã không biết cho đến khi“Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” nói cho mình biết những sang chấn từ nạn loạn luân, ấu dâm, hiếp dâm, bạo lực từ gái mại dâm, ma cô vẫn luôn tồn tại trong xã hội từ rất lâu rồi cho đến mãi bây giờ khi nó được đưa ra ngoài ánh sáng nhờ mạng xã hội. Là một người phụ nữ bản thân mình không giám tưởng tượng mình sẽ như thế nào khi nỗi đau ấy xảy ra… Đọc từng câu chuyện mà tim quặn thắt lại… Mà thường nạn nhân thường là những đứa trẻ ngây ngô từ 3tuổi cho đến 10 tuổi, những người không thể tự bảo vệ bản thân. Vậy chúng ta có thể làm gì để có thể giúp đỡ cuộc đời bớt đi những nỗi đau ấy…

Cuốn sách được chia thành 5 phần lớn:

Phần I  – Tái khám phá sang chấn: 

Quá trình tìm hiểu và hình thành những hiểu biết khoa học về Stress do sang chấn nói riêng và Sức khỏe tâm thần nói chung, bắt nguồn từ những khám phá ban đầu về stress do sang chấn ở các cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Phần II – Khám phá bộ não bị sang chấn

Bao gồm những kết quả nghiên cứu của khoa học thần kinh và hình ảnh học thần kinh, giúp chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa não bộ với tâm lý – tâm thần ở con người.

Phần III – Tâm trí trẻ thơ và Phần IV – Dấu ấn của sang chấn:

Mô tả những ảnh hưởng của sang chấn lên trẻ em và người trưởng thành.

Phần V – Con đường hồi phục:

Mô tả con đường hồi phục của những người bị stress do sang chấn, thông qua các phương pháp trị liệu và tự chữa lành.

Đúng như tên“Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” , Tiến sĩ Bessel Van Der Kolk sẽ giúp mọi người hiểu và cảm thông về những vết thương trong tâm lý mà có thể những người xung quanh ta đang gặp phải. Để rồi nâng cao hơn ý thức, hành động và san sẻ cảm thấu cho nhau. Thay vì đọc ở mỗi nơi 1 ít chưa được kiểm chứng thì bạn có thể đọc luôn “Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành”.

Một số câu mình highlight ở trong sách:

Sang chấn tâm lý dẫn đến việc thay đổi kết cấu nền tảng của cách thức mà tinh thần và não bộ xử lý nhận thức. Nó thay đổi việc chúng ta suy nghĩ như thế nào và về cái gì, thay đổi cả khả năng suy nghĩ của chúng ta.

Hầu hết những khổ đau của con người liên quan đến tính yêu và mất mát; công việc của các nhà trị liệu là giúp mọi người “thừa nhận, trải nghiệm và thích nghi” thực tại của cuộc sống với tất cả những niềm vui và đau khổ.

Phần não lý trí của chúng ta thực sự là bộ phận trẻ nhất của não bộ và chỉ chiếm khoảng 30 % trong hộp sọ. Bộ não lí trí chủ yếu quan tâm đến thế giới bên ngoài: hiểu biết về cách thức mà mọi thứ và mọi người làm việc và tìm cách đạt được những mục tiêu, quản lý thời gian, sắp xếp hành động

Cuộc đời là 1 giai điệu. Chúng ta rung động, máu trong tim trào dâng. Chúng ta là những cỗ máy giai điệu, mà đúng là thế – Mickey Hart

Hãy nhẫn nại với những mắc mứu của con tim và cố yêu thương lấy những mối nghi ngờ… Hãy cứ sống cùng những hoài nghi. Và ngày nào đó, câu trả lời sẽ lớn dần trong ta – Rainer Maria Rilke, Letters to a young poet

Đôi khi chúng ta dùng tâm trí không phải để khám phá sự thật mà là để che dấu đi sự thật… Một trong những điều bị tấm màn che dấu hiệu quả nhất chính là cơ thể của chúng ta, ý tôi chính là che giấu phần bên trong của cơ thể. Giống như một tấm mạng che mặt để giữ gìn nét khiêm tốn, tấm màn này lấy đi từ tâm trí một phần các trạng thái bên trong của cơ thể kiệt ngang những thứ tạo thành dòng chảy của cuộc sống khi nó lang thanh trong hành trình mỗi ngày.

Nguồn gốc của sự kiên cường… chính là cảm giác được thấu hiểu và được hiện hữu trong khối óc lẫn trái tim tràn đầy tình yêu thương, đồng điệu và tự chủ – Diana Fosha

Thật lạ lùng, tất cả những ký ức gợi lại trong lòng chúng tôi đều có hai tính chất. Những kỷ niệm ấy trầm lặng, đó là cái đặc điểm rõ rệt nhất, và dù cho trong thực tế có khác đi nữa, chúng vẫn gây cho ta cảm giác như vậy. Đó là những hình ảnh câm, chúng thầm lặng nói với tôi bằng mắt, bằng cử chỉ, chẳng cần đến lời; và sự thầm lặng ấy, xúc động xiết bao.- Erich Maria Remarque, All quiet on the Western Front

Cuộc sống đời người như một nhà trọ. Mỗi sáng, sẽ có một người khách mới. Một niềm hân hoan, một nỗi đau buồn, một sự độc ác, một vài khoảnh khắc tỉnh thức chợt đến, như những vị khách bất ngờ… Hãy chào đón và tiếp đãi họ. Hãy trân trọng từng vị khách một. Hãy gặp gỡ và mời vào nhà cả những suy nghĩ đen tối, sự ác tâm, nhục nhã. Hãy biết ơn bất kỳ ai đã vào chợ, bởi mỗi vị khách được gửi đến như một lời chỉ dẫn từ trời cao. – Rumi

Mỗi người sống sót sau sang chấn mà tôi gặp đều có thể phục hồi theo cách riêng của họ. Mỗi câu chuyện của họ đều khiến người khác không khỏi ngỡ ngàng về khả năng thích ứng của con người. Khi hiểu được họ đã phải tốn bao nhiêu năng lượng cho sự sống còn, tôi không còn ngạc nhiên về cái giá mà họ thường phải trả: thiếu đi một mối quan hệ yêu thương của cơ thể, tâm trí và linh hồn của họ

Leave a comment

0.0/5